Tham luận “ Phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, GV, nhân viên trong các hoạt động chuyên môn và phong trào tại Trung tâm GDNN – GDTX Hai Bà Trưng”

Có thể nói, ở bất cứ xã hội nào nghề dạy học luôn được coi là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Do vậy, người thầy phải không ngừng rèn đức luyện tài để hoàn thành trọng trách vẻ vang mà xã hội tin tưởng, trao gửi. Trong Bài nói chuyện tại Lớp học Chính trị của giáo viên, tháng 8-1959, Bác Hồ đã dạy: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con. Trách nhiệm đó rất là vẻ vang, quan trọng”. Theo Hồ Chí Minh: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”. Người không tán thành hiện tượng nói không đi đôi với làm, nói một đường – làm một nẻo, nói nhưng không làm.

Thời gian qua, toàn ngành Giáo dục Thái Nguyên cũng đã tích cực triển khai các nội dung của Chỉ thị 05-CT/TW gắn với các cuộc vận động và phong trào thi đua. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong giáo viên và học sinh với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Vậy, để “ Phát  huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, GV, nhân viên trong các hoạt động chuyên môn và phong trào tại Trung tâm GDNN – GDTX Hai Bà Trưng”,  cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, mỗi cán bộ, GV, nhân viên cần phải xác định phải được trách nhiệm nêu gương của mình. Trước hết là nêu gương về nhận thức: chúng ta phải xác định được trách nhiệm của bản thân là gì? Phạm vi trách nhiệm đến đâu? Luôn xác định phải hoàn thành nhiệm vụ, không được ngại khó, ngại khổ, né tránh, đùn đẩy. Tiếp theo: Phải nêu gương về hành động. Biến những gì nhận thức được thành hành động, việc làm cụ thể.

Hai là: Cần nêu cao vai trò gương mẫu về đạo đức, lối sống của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí, xác định đây là việc làm rất quan trọng, đi đầu. Bởi đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là những người trực tiếp làm công tác giáo dục. Sự nghiệp “trồng người” đang đòi hỏi các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải thực sự mô phạm về đạo đức, lối sống: nỗ lực rèn luyện và hoàn thiện nhân cách, thực hiện tốt “nói đi đôi với làm” theo tư tưởng và phong cách Hồ Chí Minh. Nêu cao tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Ba làCần gương mẫu, đi đầu trong bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phong cách lề lối làm việc theo hướng chuyên nghiệp. Bởi người thầy không chỉ là tấm gương sáng về đạo đức mà còn phải có trình độ năng lực chuyên môn vững vàng. Từng cán bộ, GV, NV phải chịu khó, tích cực, hăng hái trong công việc, nhiệm vụ được giao, tiết kiệm thời gian và các phương tiện phục vụ công tác để làm việc có hiệu quả cao nhất; xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể trong thực hiện công việc, bảo đảm thời gian theo quy định như: mỗi cán bộ, GV, NV  phải tự vạch kế hoạch làm việc theo năm, tháng, tuần, ngày. Khi đã có kế hoạch thì phải tuân thủ kế hoạch đã đề ra, không được lấy thời gian làm việc công để làm việc tư. Trong thực hiện nhiệm vụ, công việc có chương trình, kế hoạch, khoa học, ngăn nắp, nề nếp, sao cho công việc chạy đều, có kết quả cao nhất; kể cả trong việc phối hợp thực hiện với các đồng chí, đồng nghiệp hoặc cơ quan, đơn vị có liên quan, không để chậm trễ, tồn đọng, ách tắc, không để đồng chí, đồng nghiệp phải chờ đợi sự phối hợp, cộng tác. Tuy nhiên, cũng không được cứng nhắc, máy móc, phải linh hoạt, sáng tạo, không ngừng cải tiến, đổi mới để hoàn thành công việc nhanh nhất. Khi thực hiện nhiệm vụ phải bao quát nhiệm vụ của tập thể, nhiệm vụ của đồng nghiệp để cùng phối hợp thực hiện mới hoàn thành tốt nhiệm vụ chung. Luôn gương mẫu đi đầu trong đổi mới phương pháp dạy học: Ngày nay trong xu thế toàn cầu hóa, xã hội phát triển với tốc độ chóng mặt nên cách nhìn, cách hiểu và cách dạy của người thầy phải luôn luôn đổi mới, luôn luôn cập nhật kiến thức; không ngừng học hỏi để nâng cao kiến thức, nâng cao tầm hiểu biết mới đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của xu thế gáo dục hiện đại.

Bốn là: xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và rèn luyện đạo đức cho HS. Bởi lẽ sự tác động vào nhận thức, tình cảm, ý chí của học sinh không phải chỉ từ phía chủ thể giáo dục mà còn chịu sự tác động mạnh mẽ của môi trường văn hóa, sư phạm. Phải xây dựng tập thể sư phạm đoàn kết, hợp tác, thân ái, hết lòng vì học sinh thân yêu; giải quyết tốt các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường, nhất là mối quan hệ với nhân dân địa phương. Mặt khác, cần tập trung hướng vào tiêu chuẩn xây dựng con người mới “phát triển toàn diện về tư tưởng, chính trị, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo; có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung; tôn trọng nghĩa tình, lối sống có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, trong cộng đồng và xã hội”. Quyết tâm không để thói hư tật xấu; lối sống lạc hậu, tiêu cực, trái với chuẩn mực đạo đức xâm nhập vào nhà trường, để tập thể nhà trường cũng là một tập thể gương mẫu.

Năm là, làm tốt công tác tự phê bình và phê bình. Mỗi CB, GV, NV phải có tính tự trọng cao. Bởi vì có tự trọng thì mới nêu cao ý thức trách nhiệm, làm việc với tinh thần, thái độ công tâm, khách quan, vì lợi ích chung của cơ quan, đơn vị, tập thể và nhân dân, vì uy tín, danh dự của chính bản thân mình. Mỗi cán bộ, viên chức ý thức được tính tự trọng thì làm công việc một cách trong sáng, cao thượng, không lồng động cơ cá nhân hoặc vì lợi ích của bản thân, của gia đình, hay lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, từ đó không gây thiệt hại hoặc làm phương hại đến quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó mỗi giáo viên cần có thái độ nghiêm túc trong tự phê bình và phê bình. Góp ý đồng nghiệp trên tinh thần hợp tác, xây dựng, chia sẻ và chân thành.

Sáu là: làm tốt công tác thi đua khen thưởng: Khen thưởng động viên kịp thời những tấm gương đạo đưc nhà giáo để phát huy tinh thần nêu gương và nhân rộng tấm gương điển hình tiên tiến nhằm khích lệ CB, GV, NV cùng nhau hăng hái thi đua.

Trên đây là một số ý kiến tham luận của tổ Sử-Địa-GDCD-TD-QPAN về việc “Phát  huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, GV, nhân viên trong các hoạt động chuyên môn và phong trào tại Trung tâm GDNN – GDTX Hai Bà Trưng”. Trên đây chỉ là một số biện pháp nhỏ, chưa thể đầy đủ và toàn diện. Rất mong được sự góp ý để bản tham luận đầy đủ và thiết thực hơn. Xin trân trọng cảm ơn!