Một số giải pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh có rất nhiều bài viết, bài nói tổng kết những vấn đề lý luận, thực tiễn về thực hành đạo đức cách mạng, tinh thần trách nhiệm, phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, làm cơ sở cho các hoạt động của Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc, không vì lợi ích chung của tập thể, của xã hội; phong cách, lề lối làm việc không khoa học, cẩu thả… đó là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, không quan tâm đến lợi ích chung. Đó là một thứ vi trùng rất độc hại, đẻ ra hàng trăm thứ bệnh nguy hiểm. “Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của Nhân dân”. Nó là kẻ thù ở bên trong mỗi cá nhân, tổ chức nên rất khó nhìn thấy, khó đấu tranh và rất nguy hiểm, không những ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân, tổ chức mà còn làm giảm niềm tin của Nhân dân vào Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, đe doạ sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa… Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Hầu hết những sai lầm lớn, nhỏ đều bắt nguồn từ công tác cán bộ, từ khâu đánh giá, bố trí cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ. Chỉ cần một cán bộ, công chức viên chức tham nhũng, gây phiền hà, thiếu tôn trọng Nhân dân thì đều có thể ảnh hưởng không tốt đến uy tín của cơ quan, tổ chức, của Đảng và Nhà nước. Do đó, cần phải nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, đổi mới tư duy, phong cách, lề lối làm việc đúng đắn, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh.

Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Gia Lai hiện có 104 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc (44 đảng bộ và 60 chi bộ cơ sở); trong đó có 61 tổ chức cơ sở đảng trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và 43 tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp, với hơn 4.300 đảng viên. Là Đảng bộ Khối đặc thù, có vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị của tỉnh; bao gồm các tổ chức đảng trong các cơ quan tham mưu chiến lược của tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, các doanh nghiệp, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Khối có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ cao về lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ, trực tiếp làm nhiệm vụ tham mưu và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên hầu hết các lĩnh vực quan trọng; một bộ phận cán bộ, đảng viên giữ vị trí chính trị quan trọng, trong đó, nhiều đồng chí là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh.
Xác định rõ vai trò của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan, đơn vị của tỉnh có ý nghĩa vô cùng quan trọng, ảnh hưởng to lớn, tác động trực tiếp và sâu rộng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị, sự phát triển của tỉnh và đời sống Nhân dân; thời gian qua, Đảng ủy Khối, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong Khối đã quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với những giải pháp nhằm chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ, đảng viên), đạt được những kết quả tích cực. Nhận thức, ý thức trách nhiệm của đa số cán bộ, đảng viên đã có chuyển biến rõ rệt; chất lượng đội ngũ ngày càng được nâng lên; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được tăng cường, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm,… Qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Đảng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong sạch, vững mạnh.

Tuy nhiên, một số tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, có cả người đứng đầu có lúc, có việc chưa thật sự sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chậm đổi mới về tư duy, thiếu quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ; có tâm lý sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước bị xử lý kỷ luật, có trường hợp phải xử lý hình sự,… làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, cản trở sự phát triển chung, ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân đối với tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chính: Một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu bản lĩnh, thiếu học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tự soi, tự sửa để nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; sa vào chủ chủ nghĩa cá nhân; làm việc không khoa học, còn cứng nhắc, rập khuôn, chưa phát huy được tư duy sáng tạo. Một bộ phận cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị chưa làm tốt công tác cán bộ, chưa có giải pháp hữu hiệu để phát huy tính năng động của cán bộ, đảng viên cũng như trong bảo vệ, kiểm tra, giám sát, phê bình và chủ động xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm. Trách nhiệm nêu gương của một số ít người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; lãnh đạo, chỉ đạo có lúc, có việc thiếu quyết liệt, linh hoạt.

Nâng cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên của tỉnh nói chung, của Đảng bộ Khối nói riêng là nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại; phát huy nhân tố con người, tăng cường trách nhiệm thực thi công vụ, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung ở các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cán bộ, đảng viên, nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, phục vụ xã hội, tạo bước chuyển biến rõ rệt, hiệu quả, thiết thực, Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh trao đổi và đề xuất một số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, đối với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp:

(1) Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Phát huy và nâng cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, khơi dậy ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân của mỗi cán bộ, đảng viên.

(2) Duy trì thực hiện nghiêm túc quy chế, quy định, quy trình công tác; kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung những nội dung không còn phù hợp, đơn giản hóa quy trình, thủ tục không cần thiết; phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân, người đứng đầu theo quy định.

(3) Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ bài bản, chặt chẽ, khoa học; chủ động xây dựng, thực hiện chương trình, kế hoạch công tác với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm và rõ kết quả”, không chồng chéo, không bỏ sót nhiệm vụ, không né tránh, đùn đẩy công việc cho cơ quan khác hoặc lên cấp trên. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ; kịp thời phát hiện và giải quyết, tháo gỡ những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất cấp trên xem xét, giải quyết, tuyệt đối không để vướng mắc kéo dài.

(4) Làm tốt công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ bảo đảm công khai, minh bạch, công tâm, khách quan, toàn diện; khi xem xét đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải dựa trên sản phẩm, kết quả cụ thể, nổi trội của cán bộ trong quá trình công tác. Quan tâm bảo đảm cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng văn hóa tổ chức, tạo môi trường thuận lợi để cán bộ, đảng viên phát huy năng lực, sở trường, xây dựng cơ quan, đơn vị.

(5) Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; kiểm tra, thanh tra, giám sát; kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có dư luận không tốt, năng lực yếu kém, thiếu trách nhiệm trong công tác. Đồng thời, kịp thời biểu dương, khen thưởng, khuyến khích, bảo vệ cán bộ, đảng viên năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Thứ hai, đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

(1) Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phải thực sự nêu gương trong thực hiện các yêu cầu chung đối với cán bộ, đảng viên; đi đầu về tác phong, lề lối làm việc; là trung tâm đoàn kết, tấm gương về tinh thần cống hiến và tư duy đổi mới, khát vọng phát triển để lan tỏa, truyền cảm hứng cho cán bộ, đảng viên cấp dưới học tập, noi theo.

(2) Đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, với phương châm: “quyết liệt hơn, linh hoạt hơn, hiệu quả hơn”. Không né tránh trách nhiệm, đùn đẩy công việc thuộc thẩm quyền lên cấp trên hoặc sang cơ quan, đơn vị khác. Phân công, bố trí công việc hợp lý, khoa học, tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên cấp dưới phát huy tối đa năng lực, sở trường, tích cực tham gia xây dựng cơ quan, đơn vị. Giao việc phải gắn với đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh, định hướng giải quyết, tháo gỡ những vấn đề phát sinh, không phó mặc cho cấp dưới. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ, động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên nỗ lực phấn đấu, cống hiến và khẳng định bản thân.
(3) Chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, lĩnh vực được phân công phụ trách. Kiên quyết xem xét, xử lý trách nhiệm để xảy ra mất đoàn kết nội bộ, vi phạm quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, giải quyết công việc trì trệ, cán bộ, đảng viên cấp dưới vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham nhũng, tiêu cực…

(4) Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, cần động viên, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những vấn đề nổi cộm, phát sinh trong thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.

Thứ ba, đối với cán bộ, đảng viên.

(1) Nhận thức đúng đắn, toàn diện về vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của cá nhân trong tổ chức bộ máy của cơ quan, đơn vị; xác định rõ vị trí việc làm của bản thân, ý thức và hành vi đúng đắn, phù hợp. Mỗi cán bộ, đảng viên phải hình thành ý thức công vụ gắn với mục tiêu phát triển của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; xác định rõ trách nhiệm của bản thân đối với cơ quan, đơn vị và cấp trên, đối với xã hội từ chính các kết quả do bản thân thực hiện. Xây dựng kế hoạch công tác cá nhân để triển khai thực hiện nhiệm vụ; sử dụng có hiệu quả thời gian làm việc, tập trung trí tuệ, phát huy năng lực, sở trường, ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, tận tụy, tận tâm trong công việc, giải quyết công việc đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ theo yêu cầu nhiệm vụ.

(2) Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, học tập, tự soi, tự sửa để nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyến hóa”; không tham nhũng, tiêu cực.

(3) Chấp hành và thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định về những điều cán bộ, đảng viên không được làm và các quy định về nêu gương; các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng; nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị và nơi cư trú. Nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức và sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên.

(4) Nâng cao tinh thần trách nhiệm phải gắn với đổi mới tư duy, phong cách, lề lối làm việc khoa học, dân chủ, nêu gương theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác; tập trung giải quyết công việc hết trách nhiệm cho đến kết quả cuối cùng và có sản phẩm cụ thể. Phát huy vai trò, trách nhiệm, tích cực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ được giao, với phương châm: “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”; sẵn sàng nhận và nỗ lực để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ; không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh công việc; chống bệnh tranh công, đổ lỗi cho khách quan hoặc đổ trách nhiệm cho người khác,… và phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong thực thi nhiệm vụ, phải tuân thủ kỷ luật, kỷ cương và trật tự hành chính, đúng thẩm quyền, trách nhiệm được giao… Tăng cường sâu sát cơ sở, tiếp xúc với Nhân dân, thực hành tốt phương châm “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”; cầu thị lắng nghe, xem xét giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Tinh thần trách nhiệm, tác phong, lề lối làm việc không chỉ thể hiện trong nghị quyết, bằng lời nói, lời hứa mà là trong những việc làm rất cụ thể, thiết thực hàng ngày thuộc mọi lĩnh vực, mọi công việc và của mọi người. Tinh thần trách nhiệm không chỉ là bổn phận của mỗi người đối với tổ chức, với Đảng, trước cấp trên mà còn là trách nhiệm trước Nhân dân, trước tập thể, những người xung quanh mình và với cả chính mình. Đó là biểu hiện trong sáng nhất của đạo đức cách mạng, đạo đức công dân, hết lòng, hết sức phấn đấu vì sự nghiệp của dân, của nước. Đó cũng là đạo đức, tư cách người cán bộ, đảng viên thực thụ.

Theo: Huỳnh Minh Thuận – Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối Tỉnh Gia Lai